Hệ điều hành Android từ trước đến nay vẫn không thể mượt mà được như đối thủ iOS. Mặc dù những chiếc smartphone Android flagship gần đây đã cải thiện rất nhiều vấn đề này, nhưng những thiết bị tầm trung và bình dân thì vẫn vậy.
Một phần vấn đề của Android là hệ điều hành này khá ngốn hiệu năng. Android nổi tiếng với việc chạy nhiều ứng dụng nền và do đó yêu cầu phần cứng mạnh mẽ hơn để có thể xử lý mượt mà các tác vụ.
Trong mười năm qua, phần cứng smartphone đã chứng kiến những thay đổi lớn. Bộ nhớ RAM đã tăng từ 2 - 3GB lên 8 - 12GB, hoặc thậm chí là 16 - 18GB trên những chiếc smartphone chơi game cao cấp. Chip xử lý trên những smartphone Android cũng đã có thể sánh ngang với các chip hàng đầu của Apple. Nhờ đó mà hiệu suất đã được cải thiện một cách rất đáng kể.
Giờ đây, không chỉ là cải tiến về phần cứng nữa, mà smartphone Android còn được cải tiến sự mượt mà về cả phần mềm. Google đã bắt đầu chú ý hơn đến việc quản lý và phân phối hiệu suất hệ thống trên Android 12, để mang đến trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng, đặc biệt là trên những smartphone tầm trung và bình dân.
Google đặc biệt sẽ xử lý các tác vụ nền, với những tính năng mới trong Android 12 như Android System Server, Activity Window và Package Manager. Google cho biết: “Có nhiều thành phần khác nhau của hệ thống thường xuyên giao tiếp với nhau cùng một lúc trong nền, đó là khi bạn thấy mọi thứ chậm và lag. Bằng cách làm mượt tất cả những giao tiếp đó, chúng tôi có thể mang đến những chuyển động mượt mà hơn”.
Đây không phải là một tính năng mà người dùng có thể bật hoặc tắt, mà nó là một cải tiến mặc định. Google hứa hẹn việc xử lý các tác vụ nền sẽ giúp smartphone của bạn trở nên nhanh hơn, mượt hơn và ít giật lag hơn.
Cùng với những con chip xử lý mới mạnh mẽ hơn và màn hình với tần số quét cao hơn, những chiếc smartphone Android không chỉ cao cấp, mà cả tầm trung và bình dân cũng sẽ cảm thấy nhanh hơn so với trước đây.
Android 12 cũng sẽ thay đổi cả về giao diện và các tính năng bảo mật nghiêm ngặt hơn. Hứa hẹn đem lại cảm giác tươi mới, bóng bẩy và có phần giống với iOS của Apple hơn.
Tham khảo: phonearena