Tại sự kiện “Hi, Speed” được Apple tổ chức vào ngày 14/10 vừa qua, Apple đã chính thức cho ra mắt bộ tứ iPhone 12 hoàn toàn mới. Mặc dù sẽ vẫn có những lời khen chê về dòng iPhone 12 năm nay, tuy nhiên, không thể phủ nhận iPhone 12 là tiếp tục là một dòng iPhone có chất lượng tốt nhất từ trước tới nay. Các thay đổi mới như thiết kế, camera hay hiệu năng đều là những thay đổi tích cực đáng chú ý.
Dù rằng Apple năm nay vẫn chậm chân hơn các nhà sản xuất Android ở nhiều yếu tố, có thể kể tới như 5G, sạc siêu nhanh hay màn hình vẫn là màn hình tai thỏ, thế nhưng vẫn có nhiều khía cạnh mà các nhà sản xuất Android có thể học tập Apple, đặc biệt là ở iPhone 12 nhằm mang tới cho người dùng những sản phẩm tốt hơn.
Vậy các “nhà” Android có thể học tập được những gì từ “nhà” Táo?
Năm nay iPhone 12 có 4 tùy chọn, trải dài từ phân khúc cận cao cấp cho tới cao cấp. Và mặc dù bộ đôi iPhone 12 được bán ra với giá thấp hơn, tuy nhiên cả 4 chiếc iPhone năm nay đều được hoàn thiện một cách cao cấp và sang trọng tương đương nhau. Trong khi đó với nhiều nhà sản xuất Android, họ thường cắt giảm về chất liệu hoàn thiện trên các dòng kém cao cấp hơn, điều này dẫn tới người dùng không thực sự hứng thú với các sản phẩm hoàn thiện kém hơn.
Chưa kể Apple còn trang bị cho iPhone 12 một màn hình phủ gốm có tên Ceramic Shield, giúp cải thiện độ bền của máy hơn cả các thế hệ cũ. Tất nhiên, màn hình này không giới hạn trên 2 mẫu smartphone cao cấp hơn mà được trang bị cho cả 4 phiên bản iPhone 12.
Thậm chí, không chỉ có thiết kế, iPhone 12 đều có màn hình OLED như nhau và hiệu năng tương đương khi dùng chung con chip Apple A14. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố kích thước màn hình và camera cũng như thời lượng pin, toàn bộ dòng iPhone 12 đều được thiết kế cao cấp như nhau, không máy nào thiệt thòi quá nhiều so với máy nào. Chỉ với số tiền 699 USD cho bản iPhone 12 mini, người dùng đã có thể trải nghiệm 1 thiết bị sang trọng hơn bất cứ chiếc Android phone nào, đây chính là thứ mà các nhà sản xuất Android nên học tập Apple.
Hiện tại trên thị trường, Apple là nhà sản xuất gần như duy nhất còn sản xuất smartphone màn hình nhỏ. Trước đó dòng iPhone SE của Apple được nhiều người dùng ưa thích bởi nó có màn hình nhỏ, thiết kế vừa tay nhưng vẫn có hiệu năng mạnh mẽ. Trong khi đó ở phía Android, người dùng khó có thể tìm thấy các thiết bị có màn hình nhỏ dưới 6 inch mà có hiệu năng tương đương các flagship cao cấp.
Mặc dù iPhone 12 mini thậm chí còn nhỏ hơn iPhone SE 2020, nhưng phần cứng bên trong lại không hề “nhỏ” chút nào: Máy có hiệu năng ngang ngửa iPhone 12 Pro Max giá nghìn đô, hỗ trợ 5G mmWave tiên tiến, phần cứng kèm sạc MagSafe mới, thậm chí màn OLED của iPhone 12 mini có chất lượng không thua kém các máy có giá 1000 USD.
Hãy xem những sự lựa chọn smartphone Android nhỏ gọn. Hầu hết chúng đã cũ và lỗi thời, thiết kế xấu xí. Còn Pixel 4a thì vẫn có kích thước lớn hơn iPhone 12 mini. Trong khi Xperia 5 II của Sony lại có giá bán quá cao, để phù hợp với tiêu chí “nhỏ gọn”.
Nói cách khác, iPhone 12 mini là sự lựa chọn tốt nhất hiện nay, nếu bạn muốn một chiếc smartphone nhỏ gọn.
Tới tận 2017, Apple mới chính thức trình làng khả năng sạc không dây trên iPhone của mình. Tuy nhiên tới năm nay khi iPhone 12 ra mắt, Apple đã giới thiệu chuẩn sạc mới MagSafe, dựa trên chuẩn sạc mà trước đó Apple đã khai tử trên MacBook.
MagSafe sử dụng lực hút của nam châm để tự động căn chỉnh iPhone vào đúng khu vực có thể sạc được. Điều này nghe có vẻ vô cùng cơ bản, thế nhưng nó lại hoàn toàn lạ lẫm ở thế giới Android. Hầu hết smartphone Android và thậm chí cả iPhone trước khi iPhone 12 ra mắt đều sử dụng sạc chuẩn Qi. Công nghệ sạc này không có nam châm, do đó người dùng sẽ buộc phải tự căn chỉnh điện thoại vào khu vực có sạc. Đôi khi việc cắm dây sạc còn nhanh hơn là phải căn chỉnh điện thoại để sạc được.
Điểm kém hơn của MagSafe là bộ sạc không dây này mới chỉ hỗ trợ mức 15W, trong khi chúng ta dễ dàng thấy những chiếc smartphone Android hỗ trợ sạc không dây với công suất cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, iPhone 12 chưa có tính năng sạc không dây tương thích ngược, mà có thể dùng để sạc cho AirPods cũng là một ý tưởng thú vị.
Điều này nghe có vẻ ngược đời, bởi iPhone từ trước tới nay được biết tới như là một thiết bị không cho chỉnh tay bất cứ thông số phần cứng nào, còn Android thì lại có chế độ Pro Mode cho chỉnh tay nhiều thông số. Tuy nhiên, chỉnh tay thông số là một chuyện, còn tính năng dành cho những người dùng chuyên nghiệp và những người ưa thích chụp ảnh lại là một chuyện khác.
Nhờ hiệu năng mạnh mẽ mà iPhone 12 có thể quay được video Dolby Vision HDR. Đây là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới có thể làm được điều này. Chưa hết iPhone 12 Pro còn có khả năng chụp ảnh RAW với định dạng ProRAW.
Nói cách khác, những người dùng chuyên nghiệp có thể sử dụng iPhone 12 để phục vụ công việc liên quan đến nhiếp ảnh hoặc quay phim của mình. Android cũng có hỗ trợ định dạng ảnh RAW và quay video HDR, nhưng không theo một chuẩn thống nhất.
Từ trước tới nay, iPhone vẫn luôn được coi là một trong những tượng đài về hiệu năng xử lý trên smartphone. So với các mẫu Android flagship cùng thời, iPhone luôn vượt trội về khả năng của vi xử lý. Năm nay cũng vậy, con chip Apple A14 trên iPhone 12 mang tới hiệu năng mà theo như Apple tuyên bố, “mạnh hơn tới 50% so với bất kỳ chiếc smartphone nào khác”.
Làm được điều này là do Apple không bị phụ thuộc vào các nhà sản xuất bên thứ ba như Qualcomm, MediaTek hay Samsung. Apple tự thiết kế chip xử lý đồng thời tự phát triển hệ điều hành iOS cho riêng mình.
Apple A14 hoạt động tối ưu hiệu suất nhất trên iPhone, đó cũng chính là lý do vì sao iPhone dù có phần cứng thấp hơn so với mặt bằng chung smartphone Android, tuy nhiên về độ mượt và ổn định, cũng như hiệu suất lâu dài, iPhone luôn đứng ở vị trí số 1.